6 Xu thế đầu tư kinh doanh sau đại dịch covid 19:
Một là, xu thế đầu tư vào những tài sản an toàn hơn: Bối cảnh dịch bệnh làm tăng rủi ro, bất định; và vẫn còn tiềm ẩn rủi ro ít nhất là hết năm 2020 do một số quốc gia chưa xác định rõ đỉnh dịch, diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp; khiến chỉ số đo lường rủi ro thị trường (VIX) tại thị trường chứng khoán phái sinh tại Chicago (Mỹ) tăng 177% từ đầu năm đến nay. Theo đó, nhà đầu tư thực hiện chiến lược đa dạng hóa, quan tâm nhiều hơn đến vàng (giá vàng thế giới tăng khoảng 12% tính từ đầu năm 2020), mua trái phiếu Chính phủ Mỹ, khiến giá trái phiếu này tăng lên, đồng nghĩa với lợi tức trái phiếu giảm mạnh (-87% đối với loại trái phiếu thời hạn 2 năm và 67% đối với trái phiếu thời hạn 10 năm…
Hai là, xu thế mua-bán, sáp nhập (M&A) tăng với lý do chính là đại dịch Covid-19 khiến nhiều công ty phá sản hoặc chứng kiến giá cổ phiếu giảm sâu, trong khi một số công ty tích trữ tiền mặt, hoạt động vẫn tốt và sẵn sàng mua lại các công ty khác. Một số lĩnh vực chứng kiến xu thế M&A mạnh bao gồm: công nghiệp ô tô, bán lẻ, hàng không (hãng Virgin Australia vừa tuyên bố phá sản tự nguyện ngày 21/4/2020 và đang chờ giải cứu hoặc mua lại)… Theo khảo sát của E&Y trước dịch Covid-19, tỷ lệ các công ty dự kiến tích cực tham gia M&A trong năm 2020 là 59% so với con số hiện tại là 54%, cho thấy phần lớn công ty sẽ không thay đổi kế hoạch hoạt động M&A của mình và sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.
Ba là, xu thế cắt giảm chi phí và nhân sự: Số liệu của Bloomberg cho thấy các công ty đã và đang thực hiện cắt giảm chi phí và nhân sự một cách quyết liệt. Tại Canada, khoảng 1 triệu người mất việc. Tại Mỹ, trong vòng 5 tuần qua kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đã có đến 26 triệu người lao động xin trợ cấp thất nghiệp, trong số này một phần đáng kể là bị mất việc làm… Số liệu cũng cho thấy những ngành như hàng không, bán lẻ, sản xuất công nghiệp, du lịch, nhà hàng… đã cho nhiều nhân viên nghỉ việc tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trong khi đó, các công ty cung cấp hàng hóa thiết yếu, thực phẩm (như Walmart, Domino Pizza, thương mại trực tuyến…) lại đang tuyển dụng một lượng nhân sự lớn do nhu cầu (nhất là thương mại điện tử) tăng cao. “Xu thế cắt giảm nhân sự được kỳ vọng là sẽ giảm dần sau dịch bệnh, khi các nhà máy, doanh nghiệp trở lại làm việc, nhưng chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong năm 2020-21”, TS.Cấn Văn Lực dự báo.
Bốn là, xu thế kinh doanh số: Đại dịch Covid-19 đã khiến các tổ chức, doanh nghiệp nhìn nhận lại về cách thức vận hành (như họp trực tuyến, làm việc tại nhà, khám chữa bệnh từ xa, đào tạo trực tuyến…). Thời gian qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã nhận ra được tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng lại chưa có động lực để thực hiện một cách mạnh mẽ. Dịch Covid-19 chính là động lực thúc đẩy xu thế này và những tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế hơn so với đối thủ.
Năm là, xu thế thay đổi chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị: Kết quả khảo sát của Viện Quản lý chuỗi cung ứng (Mỹ) cho thấy có tới 75% số công ty tham gia khảo sát cho biết chuỗi cung ứng của họ bị gián đoạn, 57% cho rằng thời gian để nhận hàng từ đơn vị cung ứng cấp 1 tại Trung Quốc tăng lên, bởi các nhà sản xuất tại Trung Quốc chỉ đạt 50% công suất với 56% lượng nhân công so với bình thường, và có tới 44% thừa nhận họ không có kế hoạch dự phòng cho trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn từ Trung Quốc. Một số doanh nghiệp đã tìm giải pháp như tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu thay thế (trong hoặc ngoài nước) dù không bù đắp được ngay và nhiều, tập trung vào thị trường nội địa cùng với việc xúc tiến thương mại điện tử. TS.Cấn Văn Lực dự báo: “Xu thế này cũng là chất xúc tác để các công ty đa quốc gia quyết định dịch chuyển đầu tư, cơ sở sản xuất của mình từ Trung Quốc sang các nước khu vực, trong đó có Việt Nam”.
Sáu là, xu thế quan tâm nhiều hơn đến phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Bài học nhãn tiền từ dịch Covid-19 cho thấy chính phủ, doanh nghiệp và người dân ngày càng quan tâm hơn đến chăm lo sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Đây là điều đáng mừng và quốc gia nào sớm coi đây là quốc sách sẽ có được sức đề kháng tốt hơn, nhiều khả năng phát triển bền vững và hài hòa hơn. Nhiều nước đã bỏ ra hàng trăm triệu USD đầu tư phát triển y tế dự phòng, nghiên cứu và sản xuất vaccine, trang thiết bị y tế cùng với các chương trình bảo vệ môi trường trung – dài hạn. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tăng cường hoặc chuyển hướng đầu tư vào sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe và dược phẩm…